Bản thư số 13 / TP.HCM / Tâm–thư về cái sự chuyển–tỉnh mà không kịp đóng gói ký–ức

Có những cuộc rời đi không hẳn vì chán, mà vì đời kéo người ta bước nhanh hơn lòng mình chuẩn bị.

Bản thư số 13 / TP.HCM / Tâm–thư về cái sự chuyển–tỉnh mà không kịp đóng gói ký–ức
Photo by Hieu Do Quang / Unsplash

Buổi chiều đó, trời Sài–Gòn mưa lâm–râm. Quán tôi vắng khách, chỉ còn tiếng nhạc phát nhỏ từ radio cũ. Tôi đang kê lại mấy thùng cà–phê nhập về từ Đắk Lắk, thì có tin nhắn tới. Giọng bạn tôi nhắn gọn:

"Ê Cường, hình như quê mày chuyển tỉnh rồi đó!"

Tôi cười, tưởng giỡn. Nhưng không. Vô tra hệ thống dữ liệu dân–cư – quả thật: tỉnh–nhà tôi – Tiền Giang – vừa “điều–chỉnh địa–giới”, và khu tôi từng sống, từng học, nay… về Đồng Tháp.

Tôi đơ mất một chặp.

Không phải vì phản–đối. Tôi hoan–nghênh chuyện nhà–nước tinh–giản hành–chánh, sắp–xếp lại cho tiện việc điều–hành, dễ bề quản–lý. Nhưng lòng tôi lúc đó, thú thật, như ai vừa rút nhẹ một tấm ảnh cũ ra khỏi khung – còn khung, mà hình thì không còn ở đúng chỗ.


Tôi sinh ra ở Chợ Gạo – một huyện hiền lành nằm ven sông, nơi mỗi sáng người ta chèo xuồng đi chợ, chiều về nghe chim kêu vườn bưởi. Má tôi nấu canh chua bông súng, ba tôi uống cà–phê đen đá, cười nói rổn–rảng mỗi lần gặp ai cùng quê. Cái xứ ấy – bình–dân, chất–phác, nhưng không hề quê mùa.

Lớn lên chút nữa, tôi học ở Mỹ Tho. Ngày đi học, tôi đạp xe qua cầu Long Định, nghe tiếng rao bánh ít lá cẩm, nhớ như in cái ngã ba gần chợ hoa Tết, nơi tôi từng đứng đợi nhỏ bạn học chung lớp Văn. Mỹ Tho với tôi không chỉ là nơi học hành, mà là nơi giữ lại nguyên vẹn những ngày chưa biết mùi đời.

Tôi còn nhớ mùi nước lèo của tô hủ–tiếu Mỹ Tho, nhớ gánh bánh vá chiên giòn bên hông trường, nhớ bún gạo khô Chợ Gạo – thứ bún phơi sương từng sợi, cọng nhỏ, ăn với mắm còng là ghiền tới già.

woman paddling on boat
Photo by Vince Gx / Unsplash

Rồi năm 2018, tôi khăn gói lên Sài–Gòn. Trong tay không nhiều, nhưng trong lòng có một điều: quyết không làm điều bậy.
Tôi mở quán – bán cà–phê – tuyển người – làm chủ – gồng gánh mọi thứ từ con số không. Nhưng cái gốc quê nhà, cái lối sống “làm gì cũng phải có chữ–nghĩa”, tôi giữ chặt.

Giờ sống ở Sài–Gòn, nhưng mỗi lần ai hỏi: “Quê anh ở đâu?”, tôi đáp không do dự:
"Tôi – dân Chợ Gạo – học Mỹ Tho, lớn lên trong cái nết miền Tây thiệt–tình, làm ăn ở Sài–Gòn nhưng còn giữ quê trong lòng."


Mà giờ thì quê tôi – xét theo sổ sách – không còn là Tiền Giang nữa.
Nó đã nằm trong địa–giới tỉnh Đồng Tháp.

Tôi không than, càng không dám phàn nàn. Ai làm dân–sự mà không hiểu thế nào là tập–trung quản–lý, là cơ–cấu hành–chánh? Việc hợp–nhất, sáp–nhập, điều–chỉnh… xét cho cùng là để giảm phiền–hà, tăng hiệu–quả.

Nhưng tôi vẫn muốn viết ra đây – không phải để phản–biện – mà để ghi–chú một chuyển–động trong đời, nơi không có tiếng trống hội, cũng chẳng có ai đón–đưa. Một chuyển–động âm thầm nhưng làm lòng mình lay nhẹ.


Từ nay, khi ai hỏi quê, chắc tôi phải đáp khác:
“Chỗ tôi – hồi trước thuộc Tiền Giang – giờ đã là Đồng Tháp.”

Nghe thì đơn giản. Nhưng mỗi lần nói vậy, tôi biết mình đã bỏ lại một phần nhỏ trong lòng – ở bến đò, ở ngọn chợ, ở góc sân trường – nơi từng khắc tên tỉnh–nhà cũ.

Mà thôi. Chuyện đất nước là chuyện lớn.
Tôi là người làm quán, giữ tiệm, lo nhân sự – việc của tôi là sống đàng hoàng, còn chuyện ai sắp xếp trên giấy, tôi tôn–trọng.
Miễn sao còn được bưng lên ly cà–phê ngon, còn được trả lương sòng–phẳng cho anh em, còn được dạy nhân viên phải “chào khách bằng miệng thật chứ không phải gật đầu cho có”, thì sống tỉnh nào cũng là sống.


Tôi chỉ muốn nói một điều cuối cùng:

Tôi chuyển–tỉnh, nhưng không chuyển lòng.
Tôi đổi hộ–khẩu, nhưng không đổi gốc.

Chợ Gạo – Mỹ Tho – Sài Gòn – giờ nối nhau bằng những sợi chỉ vô hình, không thấy được bằng mắt, nhưng kéo dài từ ký–ức tới hiện–tại.

Mỗi lần tôi dọn quán, bưng nước, đứng dưới mái hiên nhìn mưa, tôi vẫn thấy rõ quê mình – không nằm trên tờ giấy, mà nằm ngay trong cách mình sống mỗi ngày.


TRẦN BẢO CƯỜNG (Yatan.Aka)
Người giữ–quán – giữ–người – giữ–nghĩa